Văn bản mới

Liên kết website

Thống kê truy cập

Tấm gương người tốt việc tốt

Những gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi ở huyện Quang Bình

02/08/2016 00:00 245 lượt xem

Viết tiếp truyền thống lịch sử vẻ vang của các thế hệ nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, những người phụ nữ huyện Quang Bình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay tiếp tục tỏ rõ năng lực và khẳng định mình với tinh thần cần cù, chịu khó, học tập, nâng cao tri thức, thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ. Nhiều chị em phụ nữ đã vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, góp phần ổn định cuộc sống cho gia đình.

 

Chị Lâm bên mô hình chăn nuôi của gia đình

 

 Đến thăm hộ gia đình chị Đỗ Thị Lâm, hội viên phụ nữ Chi hội thôn Tân Bình, thị trấn Yên Bình, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nhà cửa khang trang, sạch đẹp, khá giả. Gia đình chị Lâm là một điển hình về phát triển kinh tế gia đình cũng như tham gia các hoạt động của Hội. Trước đây, đời sống của gia đình anh chị luôn bị đói nghèo đeo đẳng. Năm 1996 chị lập gia đình cùng anh Đặng Văn Tân và khởi đầu cuộc sống gia đình với muôn vàn gian nan. Dù vậy, anh chị không nản trí, vừa động viên nhau vừa bắt tay vào làm kinh tế. Với suy nghĩ mộc mạc và chân chất “Một tấc đất là một tấc vàng”, ruộng nương vườn tược là những tài sản quý báu để phát triển kinh tế theo hướng trồng trọt, chăn nuôi. Từ sách báo, nghe đài kết hợp với việc tham quan, tìm hiểu các mô hình làm kinh tế từ những hộ gia đình phát triển trong huyện. Chị Đỗ Thị Lâm đã đầu tư xây dựng chuồng trại với số vốn ít ỏi của gia đình để chăn nuôi lợn thịt theo hình thức nuôi lợn gối, lứa nọ kế lứa kia. Ngoài ra chị đầu tư thêm máy say sát để phục vụ gia đình và bà con lối xóm, vừa là thuận tiện cho việc chăn nuôi của chị. Hiện tại, riêng xuất bán lợn thịt cũng đã đem lại cho gia đình chị cũng thu nhập từ 25 - 35 triệu đồng mỗi tháng. Từ khi có Nghị quyết 10 của BTV Huyện ủy Quang Bình về “Xây dựng mô hình cải tạo vườn, đồi tạp gắn với xây dựng nông thôn mới”. Thị trấn Yên Bình đã thẩm định 10,05 ha diện tích đất vườn, đồi tạp cho 23 hộ đăng ký trồng điểm tại thôn Tân Bình, gia đình chị đã mạnh dạn đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất vườn tạp với hai loại cây chính là cam và chè. Chỉ riêng  diện tích 1,2 ha chè, mỗi năm gia đình cũng thu nhập được gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó chị cũng sử dụng những nguồn đất bãi bồi gần 2000 m2 để trồng thêm Lạc, gặp đất tốt, cùng với đó là bàn tay chịu thương chịu khó của chị, cây Lạc lên xanh tốt, cho củ Lạc to đều, mỗi năm 2 vụ, năm nào gia đình chị cũng có thu hoạch từ 20 - 30 triệu đồng.

Hộ gia đình chị Phạm Thị Huấn, hội viên phụ nữ Chi hội thôn Yên Thượng và là một tấm gương điển hình về phát triển kinh tế gia đình cũng như tham gia hoạt động của Hội. Sinh năm 1983 trong một gia đình nông dân cộng với cái nghèo khó làm cho chị trông già dặn hơn so với tuổi đời. Năm 2000 chị lập gia đình với anh Phạm Văn Điền, hai vợ chồng anh chị cùng làm lụng vất vả để kiếm sống. Nhất là khi anh Điền vẫn còn đang theo học Đại học. Vậy là gắng nặng kinh tế gia đình lại đè lên đôi vai người phụ nữ nhỏ bé, tần tảo sớm hôm. Dù vậy, chị Huấn không nản trí, vừa động viên chồng ăn học, chị vừa bắt tay vào làm kinh tế. Từ sách báo, nghe đài kết hợp với việc tham quan, tìm hiểu các mô hình làm kinh tế. Với suy nghĩ mộc mạc và chân chất “Một tấc đất là một tấc vàng”, ruộng nương vườn tược là những tài sản quý báu để phát triển kinh tế theo hướng trồng trọt, chăn nuôi. Với số vốn ít ỏi mà anh chị dành dụm được, chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn thịt. Cùng với đó chị đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, phương thức chăn nuôi, chủ động phòng trừ dịch bệnh. Đồng thời chị tích cực tham gia các lớp tập huấn, tiếp thu những kỹ thuật chăn nuôi và áp dụng vào thực tế nhà mình. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn lợn nhà chị sinh trưởng và phát triển. Năm 2013 khi xuất bán hết số lợn thịt trong chuồng chị thu lãi trên 120 triệu đồng. Không chỉ chăn nuôi, gia đình chị còn trồng thêm rau mầu trên diện tích đất nông nghiệp gần 2000 m2 quanh năm chị không cho đất nghỉ, qua 2 vụ ngô, lúa, chị còn làm thêm vụ 3 các loại rau củ quả như: Cà chua, Dưa... cũng cho thu nhập từ 65 - 70 triệu đồng trên năm. Mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp đã mang lại cho gia đình chị khoản thu nhập khá và tăng gấp nhiều lần so với sản xuất cây lúa đơn thuần. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, gia đình chị dần dần ổn định và vươn lên làm giầu. Bên cạnh đó, là một hội viên phụ nữ, không chỉ biết làm giàu cho bản thân gia đình, chị Huấn còn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ chị em hội viên có hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn, thiếu vốn sản xuất, cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

Chị Hương với mô hình chăn nuôi phát triển tổng hợp

Cũng như các hộ gia đình phụ nữ khác trên địa bàn huyện, khi tận mắt thấy mô hình kinh tế tổng hợp do hộ gia đình chị Tạ Thị Hương ở thôn Thượng, xã Bằng Lang (Quang Bình), cùng gia đình gây dựng, chúng tôi không khỏi cất lời khâm phục sự chăm chỉ, hay lam hay làm, đảm đang của người phụ nữ nhỏ bé ấy. Trước đây, như bao hộ gia đình khác, gia đình chị Hương cũng gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Cả nhà chỉ trông chờ vào việc trồng lúa 2vụ/năm. Với ý chí quyết tâm vươn lên thoát khỏi cảnh khó khăn và có điều kiện nuôi dậy con cái tốt hơn, vợ chồng chị bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Khởi đầu từ 2 bàn tay trắng, gặp khó khăn về vốn, kinh nghiệm nên ban đầu 2 vợ chồng chị chỉ nuôi vài con lợn thịt. Sau đó, qua các lứa nuôi, nay gia đình chị có 5 con lợn nái, mỗi lứa sinh từ 10 - 15 con với phương châm tự cung cấp giống để đảm bảo chất lượng giống cũng như thịt. Hiện tại, gia đình chị duy trì xuất chuồng 3 lứa lợn thịt/năm, cho thu nhập từ lợn thịt hàng năm từ 80-100 triệu/năm. Từ số lãi thu được qua các lứa nuôi, chị đầu tư nuôi thêm gà theo mô hình trang trại, hàng năm cho thu nhập từ 20 - 25 triệu. Được sự quan tâm của Hội liên hiệp phụ nữ xã, chị được đi học các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, học tập các mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đó, chị bàn với gia đình đào thêm 2 ao thả cá để làm kinh tế gia đình theo mô hình vườn – ao - chuồng. Ao cá được gia đình xây bờ kiên cố, dẫn nước từ bể lọc của hầm bioga nên luôn đảm bảo được nguồn nước cho ao. Chị ước tính thu nhập từ ao cá hàng năm 4 - 5 triệu. Bên cạnh đó, chị cũng mở lò nấu rượu từ năm 1995, từ ngày nuôi thêm lợn, gà, chị mở rộng quy mô, tăng năng suất lên 20 - 30 lít rượu/ngày để tận dụng bỗng rượu làm thức ăn chăn nuôi. Từ đó, thu nhập từ việc nấu rượu hàng năm của gia đình chị đạt từ 20 - 25 triệu. Tận dụng chất thải chăn nuôi, gia đình chị đầu tư xây hầm bioga vừa giữ về sinh môi trường, vừa là nguồn khí đốt an toàn phục vụ sinh hoạt gia đình. Chị còn dự định trong năm nay mở rộng chăn nuôi lợn thịt, gà, vịt… xây dựng thêm chuồng, trại; quy hoạch lại chuồng trại hợp lý hơn. Năm 2010, gia đình chị bắt đầu trồng cam. Khởi đầu chị trồng ở vườn quanh nhà, đến nay đã nhân rộng thành 2 ha cam mang lại thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm tùy từng mức giá ở những thời điểm khác nhau. biết tích lũy kinh nghiệm qua mỗi mùa vụ nên đồi cam nhà chị ít khi bị sâu bệnh. Dưới tán cam tươi tốt là những hàng chè ngang dọc kết búp xanh tươi, hàng năm mang lại thu nhập cho gia đình từ 3 - 4 triệu đồng. Đầu năm 2015, gia đình chị trồng thêm 2 ha quế và 3 ha keo, không để đất trống đồi núi trọc. Ngoài ra chị còn làm thêm máy sát phục vụ gia đình và bà con hàng xóm. Từ việc chăn nuôi, trồng trọt, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình chị thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình mình, chị Hương còn tuyên truyền cho chị em phụ nữ trong Chi hội, bà con hàng xóm cách thức, kỹ thuật kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay đã có rất nhiều hộ trong và ngoài xã đến thăm mô hình kinh tế của chị.

Nhìn chung, những người phụ nữ huyện Quang Bình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay tiếp tục tỏ rõ năng lực và khẳng định mình với tinh thần cần cù, chịu khó, học tập, nâng cao tri thức, thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ. Các chị luôn có cùng điểm chung đó là những người phụ nữ không chỉ biết làm giàu cho bản thân gia đình, mà các chị còn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ chị em hội viên trong toàn huyện có hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn, thiếu vốn sản xuất....cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Bản thân và gia đình các chị đã luôn chấp hành tốt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực ủng hộ các phong trào quyên góp ở địa phương… Các chị xứng đáng là những người viết tiếp truyền thống lịch sử vẻ vang của các thế hệ nữ “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”  trong thời kỳ mới.


Tin khác